Kĩ năng luyện thi IELTS Reading không phải là khó đối với các sĩ tử Việt Nam, tuy nhiên cũng không phải tất cả đều đạt được điểm cao phần này (trên 8.0). Vì thế, hôm nay mình sẽ giới thiệu đến cả nhà một bí kíp không hề xa lạ nhưng lại rất hiệu quả trong các bài đọc IELTS dài. Đó là “Skimming” và “Scanning”.
Chắc hẳn đối với 1 bạn đi học tại trung tâm tiếng Anh nào thì bài đầu tiên các thầy dạy cho 2 kĩ năng đó, và được nhấn mạnh tầm quan trọng của chúng như thế nào. Tuy nhiên mình thấy thường thì sau đó chúng ta sẽ quên đi những lời dặn đó mà lại quay trở về làm Reading như bản năng trước kia, mò mẫm và tốn thời gian. Thực tế, nếu không có 2 kĩ năng đó, và bạn chăm chỉ luyện tập thì khả năng đọc của bạn vẫn tiến bộ, số câu làm đúng tăng dần nhưng lại bị lố thời gian quá nhiều, và đặc biệt làm những câu như “Matching Headings” hay “Classification” là không hiệu quả.
Mình cũng như các bạn vậy, nhưng khi còn 1 tháng trước ngày thi, bắt tay vào làm đề và bấm giờ thì mình luôn thấy bị thiếu thời gian, và không kịp soát và kiểm tra lại các câu đã làm. Vì thế mình đã phải học lại 2 thủ thuật quan trọng này và thực hành áp dụng nó luôn. Nhờ vậy tốc độ đọc cải thiện đáng kể, mình cũng không còn sợ các dạng tìm ý chính của đoạn nữa.
Sau đây xin chia sẻ lại với cả nhà về Skimming và Scanning để mọi người hiểu rõ hơn về chúng nhé!
Skimming
Kĩ năng Skimming liên quan đến việc đọc lướt qua một cuốn sách hay một bài báo mà chỉ đọc những phần chính, như chủ đề, tiêu đề từng đoạn, đoạn giới thiệu, tổng quan và kết luận. Với năng này, bạn sẽ có được ấn tượng ban đầu tổng quát về thứ mà bạn đang đọc.
Thứ hai, mục đích của Skimming là giảm thời gian đọc cho các bạn. Khi skimming, bạn nên đọc với tốc độ gấp khoảng hai lần tốc độ đọc trung bình của bạn. Trong một bài báo, thay vì chú tâm vào những chi tiết, hãy tìm đọc những ý chính. Những ý chính này là những câu chủ đề và thường đứng ở đầu mỗi đoạn.
Scanning
Scanning, giống với Skimming là các bạn cũng cần phải làm với tốc độ nhanh để tìm những điểm quan trọng cho phần thông tin cụ thể. Khi Scanning, mắt chúng ta sẽ chuyển động nhanh qua các từ để có thể tìm được thông tin chính xác mà ta cần. Đến khi mắt chuyển động dần đến hết trang, hãy chú ý đến thứ mà bạn cần mà bỏ qua đi tất cả những thứ khác.
Vậy chúng ta sử dụng Scanning để làm gì? Thường thì chúng ta sẽ tìm kiếm một con số, hay tên, địa điểm hay một sự kiện nào đó. Một cách đưa ra là hãy chú ý đến những chữ được viết hoa, biểu tượng đơn vị như $ hay là một chứ danh, ví dụ như "Dr."
Có hai ví dụ điển hình của việc sử dụng Scanning:
• Một là tìm tên trong danh bạ điện thoại.
• Hai là tra cứu một từ trong từ điển
Cũng liên qua đến sử dụng « Skimming » và « Scanning », sau đây mình xin nói về 3 cách làm phần IELTS Reading:
1. Đọc câu hỏi trước sau đó quay lại bài đọc tìm thông tin
Chắc cách này thì không nhiều bạn còn xa lạ. Trước 1 bài đọc, các bạn mở phần câu hỏi ra trước, sau đó gạch từ khóa rồi quay trở lại bài đọc tìm câu trả lời.
Ưu điểm : cách này có vẻ dễ thực hiện ban đầu vì các bạn không phải đọc cả mấy nghìn từ cùng lúc, hơn nữa mỗi lần làm chỉ tập trung vào từng câu hỏi nên có thể sẽ trả lời chính xác hơn.
Nhược điểm : không nhìn được cả bài một cách tổng thể, không hiểu bài nói về gì nên sẽ khó làm các dạng cần tìm ý chính và đọc hiểu. Đôi lúc thì cũng mất thời gian vì cứ đọc đi đọc lại 1 đoạn.
2. Đọc kĩ bài rồi trả lời câu hỏi
Cách này thì các bạn sẽ đọc thật kĩ bài đọc, hiểu nó nói về cái gì. Do khi đọc tập trung nên chắc chắn các bạn sẽ nhớ được một số dữ kiện quan trong trong bài rồi. Khi đó mở phần câu hỏi ra làm sẽ khá là nhanh, hay có cần tìm vị trí của thông tin nào cũng dễ dàng hơn.
Ưu điểm : cực hữu dụng với dạng tìm ý chính vì các bạn hiểu bài một cách thông suốt nên cũng không lo về T/F/NG hay Y/N/NG
Nhược điểm : cách này áp dụng với các bài đọc dễ và không quá dài thì hiệu quả, nhưng với những bài khó như trong quyển Plus hay Peter May thì sẽ thiếu thời gian đấy. Vì trong các bài khó, thì riêng số từ đã nhiều hơn, mà chủ đề còn học thuật (y tế, khoa học, …) nên nhiều từ khó hiểu khiến các bạn khó mà hiểu bài ngay được.
3. Đọc lướt bài rồi đọc câu hỏi rồi lại quay lại tìm thông tin trong bài
Cách này có thể nói là kết hợp 2 cách trên cũng được. Đầu tiên đọc lướt bài (sử dụng 2 kĩ năng quan trọng đề cập trên) rồi gạch chân các từ khóa đăc biệt (như tên riêng, số liệu, năm). Khi đọc lướt xong thì mặc dù không hiểu tường tận là bài có những thông tin như thế nào nhưng các bạn sẽ hiểu được nội dung chủ đề của nó, các đoạn phân bổ như thế nào. Sau đó đọc câu hỏi, xem chúng cần những thông tin gì rồi quay lại bài đọc tìm, giờ tìm sẽ dễ dàng hơn vì bạn biết sơ qua nội dung các đoạn cùng các từ khóa được gạch chân nữa.
Ưu điểm : không mất nhiều thời gian đọc hiểu bài, mà vẫn có thời gian dành cho từng câu hỏi, đăc biệt vẫn áp dụng được cho « Matching Headings » và « T/F /NG »
Nhược điểm : hiện chưa nghĩ ra
Đọc 3 cách trên các bạn cũng thấy cách 3 có vẻ hiệu quả nhất. Tuy nhiên mình nghĩ cũng tùy thời điểm các bạn ôn và tùy bài nữa.
Thời gian đầu học Reading mình làm theo cách 1 nhiều vì lúc đó thực sự không có khả năng đọc cả bài đọc dài mà không đau đầu, buồn ngủ . Sau khi luyện tập quen với bài với lượng từ 1000-2000 thì mình chuyển sang cách 2.
Khi này thì vì mình đang làm các đề trong bộ Cam (Cam 1-7) nên các bài đọc không khó lắm nên làm cách này cực hiệu quả. Bạn đọc kĩ 1 bài mất chừng 7-10 phút, rồi quay ra làm câu hỏi nhanh lắm, chỉ mất 5 phút thôi. Tổng cho 1 bài trung bình là 15 phút thì vẫn có thời gian transfer và kiểm tra. Sau đó mình lại lần mò sang mấy quyển Plus và Peter May thì dùng cách này lúc nào cũng quá giờ ấy. Vì đọc bài của nó cũng mất 15 phút mà còn chưa hiểu hết.
Cuối cùng thì chuyển sang làm cách 3. Từ bài dễ đến khó mình đều làm theo kiểu này luôn, để cho quen lúc đi thi mà . Hôm thi thì mình vẫn còn tương đối thời gian soát lại và kiểm tra (chừng 20 phút). Đề thi thật thì mình thấy không khó như Plus, nhưng có vẻ khó hơn Cam nên các bạn cứ tính xem làm kiểu nào nhé. Và trong 3 bài đọc thì độ khó tăng dần, khó nhất là Passage 3.
Một vấn đề nữa là với từng dạng câu hỏi Reading thì sẽ có cách làm khác nhau. Cái này thì mình được các thầy dạy và hướng dẫn từng bước nên cứ làm theo. Mình cũng được cho nhiều bài tập của từng dạng nữa, làm rồi được chữa và chỉ ra tại sao lại làm sai, cứ vậy làm nhiều rồi quen. Khi đó đi thi thì nó sẽ thành phản xạ thôi
Nguồn sưu tầm
0 nhận xét Blogger 0 Facebook
Đăng nhận xét